Tháng 1/ 2024
GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH
ĐỒ THỜ TRONG DI TÍCH CỦA NGƯỜI VIỆT
Trần Lâm Biền
Sau nhiều năm đi điền dã tại các đình, đền, chùa, quán nổi tiếng ở vùng châu thổ sông Hồng, GS-TS Trần Lâm Biền biên soạn xong tập sách Đồ thờ trong di tích của người Việt. Sách 190 trang khổ 14,5 x 20,5cm có 2 phần: “Một số vấn đề có liên quan đến đồ thờ”, và “Đồ thờ trong kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của người Việt”.Sách in 58 ảnh chụp các đồ thờ có niên đại từ thế kỷ X đến thế kỷ XX ở một số di tích nổi tiếng, ở cuối in sơ đồ ban thờ của chùa, đình.
Qua sơ đồ ban thờ của chùa, bạn dễ dàng nhận biết vị trí các pho tượng Phật: Tượng Tam thế Phật, tượng Di Đà tam tôn... ở vị trí 12 trong sơ đồ ta thấy có tượng Kim Cương. Miêu tả bộ tượng này trang 60, tác giả viết: “Tượng Kim Cương mang hình thức võ tướng, đầu đội mũ kim khôi, đỉnh mũ các vị Khuyến Thiện thường có lá sen úp bình nước cam lồ, còn vị Trừng ác đội một chiếc giản có một hoặc ba mũi. Tượng Kim Cương với chức năng bảo hộ Phật pháp nên cũng gọi là tượng Hộ pháp. Trong tạo hình các vị Khuyến Thiện thường có mặt hiền từ và sơn màu hồng phấn, còn vị Trừng ác có mặt đỏ dữ tợn, tay cầm pháp giới đao. ở chùa Việt thường có hai hệ thống tượng Kim Cương. Hệ thống thứ nhất là Bát bộ Kim Cương. Hệ thống thứ hai phổ biến ở các ngôi chùa thông thường chỉ gồm hai vị Khuyến Thiện và Trừng ác, được làm khá to lớn, nhiều khi bằng đất đắp. Các vị thường ngồi trên con lân như mang tư cách dựa vào trí tuệ để hành đạo”.
Đến các ngôi đình, thi thoảng ta cũng thấy tượng thờ. GS Trần Lâm Biền lý giải: “Đình làng của người Việt chủ yếu thờ ngai và bài vị. Những đình có tượng phần nhiều gắn với nhân thần và mặt nào đó đình đã chuyển hóa mang thêm yếu tố đền thông thường.
Ở chương 2- phần II, tác giả miêu tả kích thước, nghệ thuật chạm khắc, nghệ thuật trang trí và vị trí các đồ thờ trong di tích như nhang án, bát hương, ngai thờ, khám thờ, đồ bát bửu, đồ chấp kích, đồ lỗ bộ, lọng, các loại kiệu. ởcác di tích còn có những linh vật, phổ biến là phượng và hạc. Nếu như ở đời Lý, phượng thờ chỉ gắn với thành bậc cửa dưới dạng phù điêu hay những đồ gốm ở mái, thì từ thế kỷ XVII chúng được tạc tròn với kích cỡ khá lớn, caotrên dưới 2m. Một điển hình là đôi phượng gỗ ở đình Phú Thượng (quận Tây Hồ) có niên đại khoảng giữa thế kỷ XVII. ở vị trí hai bên bàn thờ tại các ngôi đền đình nhiều khi là những con hạc đứng trên rùa. Con hạc gỗ ở đình Dục Tú (Đông Anh) được coi là con hạc có niên đại sớm nhất của nước ta. Lý giải câu ca: “Thương thay thân phận con rùa. Bên đình đội hạc bên chùa đội bia”, tác giả cho biết: “Trong tư cách là đồ thờ, hạc thường biểu hiện cho tầng trên, còn rùa cho tầng dưới để hợp thành một thể âm dương đối đãi”. ở một số di tích gắn với Nho giáo (hay có sự tham gia của nhà Nho) thì linh vật thường được thờ là rồng (bên trái) và hổ (bên phải) để biểu hiện sự hội tụ của các trí thức và đề cao thần.
Đồ thờ trong di tích của người Việt thật phong phú và đa dạng, tìm hiểu cho thấu đáo thật không đơn giản chút nào. Đến nay, GS-TS Trần Lâm Biền là người đầu tiên “thâm canh” trên mảnh đất chưa từng được khai phá. ở mỗi trang viết, ông đều có những phát hiện lý thú. Và cũng bằng những phát hiện này, tập sách đã phác họa, đánh giá và phần nào giải mã một số yếu tố văn hóa nghệ thuật trong các đồ thờ tại các di tích.
Cuốn sách thật bổ ích và thiết thực cho tất cả những ai muốn tìm hiểu “cái hồn” của các di tích lịch sử văn hóa.
Xin mời các thầy cô giáo và các em tìm đọc.
Tuấn Việt ngày 30 tháng 12 năm 2023